Bộ 10 đề kiểm tra giữa HK I môn Ngữ văn lớp 10 năm học 2023-2024 có đáp án

Xin giới thiệu với bạn đọc tài liệu đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 10. Trong tài liệu gồm các đề được sưu tầm và biên soạn theo chương trình GDPT 2018, giúp bạn đọc ôn luyện môn Ngữ văn để đạt kết quả cao trong các kì thi sắp tới.

Lưu ý: Đây chỉ là một số đề minh hoạ trong bộ 10 đề. Các bạn nên tải về để xem đầy đủ nội dung.

Đề số 1

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

TƯƠNG TƯ

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…

Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư, Nguyễn Bính)

Lựa chọn đáp án đúng:

1. Bài thơ “Tương tư” được viết theo thể thơ nào?

A. Lục bát.

B. Song thất lục bát.

C. Tự do

D. Thất ngôn bát cú

2. Xác định biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người.

A. So sánh 

B. Ẩn dụ

C. Hoán dụ

D. Nhân hóa

3. Hai câu nào trong bài thơ cho thấy tình cảm của chàng trai chưa được đền đáp?

A. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, / Một người chín nhớ mười mong một người.

B. Hai thôn chung lại một làng, / Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

C. Bảo rằng cách trở đò giang, / Không sang là chẳng đường sang đã đành.

D. Bao giờ bến mới gặp đò, / Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.

4. Cặp đôi nào dưới đây không có trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính?

A. Bên ấy – bên này

B. Trong bến – ngoài làng 

C. Giàn giầu – hàng cau

D. Một người – một người

5. Nguyễn Bính được coi là nhà thơ của:

  A. cảnh quê.

B. đời quê.

C. hồn quê.

D. nếp quê.

6. Cách ngắt nhịp đạt hiệu quả cao nhất trong câu thơ đầu là:

Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

  1. 2/2/2

B. 2/4

C. 4/2

D. 3/3

7. Cảm xúc chính của hai câu thơ sau là gì?

Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

A. Nhớ nhung, đợi chờ.

B. Nhớ nhung, hờn trách.

C. Nhớ nhung, than thở.

D. Nhớ nhung, tiếc nuối

Trả lời các câu hỏi:

8. Phân tích hiệu quả sử dụng biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người.

9. Nhận xét tâm trạng của chàng trai qua hai câu thơ cuối:

Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

10. Từ nội dung bài thơ trên, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu tuổi học đường? 

II. VIẾT (4.0 điểm)

Viết một bài văn phân tích nội dung và nghệ thuật của bốn câu thơ cuối trong bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính.

Đề số 2

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau :

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

                                                                         ( “Bánh trôi nước”- Hồ Xuân Hương)

1. Nhà thơ Hồ Xuân Hương được mệnh danh là

A. Nữ hoàng thi ca.                             B. Thần thơ thánh chữ.

C. Thi tiên thi thánh.                          D. Bà chúa thơ Nôm.

2. Nghĩa thứ hai trong bài thơ Bánh trôi nước của tác giả Hồ Xuân Hương là gì?

A. Phản ánh phẩm chất, vẻ đẹp và thân phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

B. Phản ánh thái độ của người thưởng thức về hương vị của chiếc bánh trôi nước.

C. Thể hiện niềm thương cảm của tác giả đối với số phận của những chiếc bánh trôi nước.

D. Diễn tả lại các công đoạn làm ra chiếc bánh trôi nước và các nguyên liệu làm nên chiếc bánh.

3. Câu nào dưới đây thể hiện đúng đặc điểm bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương?

A. Bài thơ được viết bằng chữ Quốc ngữ theo thể Đường luật thất ngôn tứ tuyệt.

B. Bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật thất ngôn bát cú.

C. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm theo thể Đường luật ngũ ngôn tứ tuyệt.

D. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm theo thể Đường luật thất ngôn tứ tuyệt.

4. Qua hình ảnh bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương muốn nói gì về người phụ nữ?

A. Vẻ đẹp tâm hồn.  B. Vẻ đẹp hình thể.  C. Vẻ đẹp và số phận long đong.  D. Số phận bất hạnh.

5. Dòng nào sau đây không phù hợp khi miêu tả chiếc bánh trôi nước trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương?

A. Nhân son đỏ.                                               B. Được hấp trên nước.

C. Có thể rắn hoặc nát.                                    D. Hình tròn, trắng mịn.

6. Câu nào dưới đây nói đúng về ngôn ngữ trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương?

A. Ngôn ngữ bình dị, gắn liền với cuộc sống. B. Ngôn ngữ ít xuất hiện trong văn thơ dân gian.

C. Ngôn ngữ trau chuốt, gọt giũa.                    D. Ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh.

7. Trong nghĩa thứ nhất của bài thơ Bánh trôi nước, chiếc bánh trôi nước được miêu tả như thế nào?

A. Chiếc bánh được làm từ bột nếp, nhào nặn thành viên tròn, màu trắng, bên trong chứa nhân, khi cho vào nước thì vừa chìm vừa nổi.

B. Chiếc bánh được nhào nặn, bên trong chứa nhân, bánh có màu đỏ và nổi trên mặt nước khi luộc.

C. Chiếc bánh có hình vuông, màu trắng và bên trong chứa nhân, khi cho vào nước thì vừa chìm vừa nổi.

D. Chiếc bánh được làm từ bột gạo, có hình ống với nhiều màu sắc khác nhau.

8. Nhận xét nào đúng khi nói về những đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của bài thơ Bánh trôi nước?

A. Bài thơ vừa tả thực về chiếc bánh trôi, vừa thể hiện vẻ đẹp hình thức và tấm lòng nhân hậu cao đẹp của người phụ nữ, vừa cảm thông cho thân phận chìm nổi của họ.

B. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp hình thức và tấm lòng nhân hậu, son sắt, thủy chung của người phụ nữ.

C. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp hình thức của chiếc bánh trôi và vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ.

D. Bài thơ đã miêu tả sinh động hình ảnh chiếc bánh trôi, một món ăn độc đáo của dân tộc.

9. Ở nghĩa thứ hai (lớp nghĩa hàm ẩn) trong bài thơ Bánh trôi nước, hình ảnh người phụ nữ được miêu tả như thế nào?

A. Là người phụ nữ có hình dáng bên ngoài xấu xí nhưng tốt bụng và có tấm lòng nhân hậu.

B. Là người phụ nữ đại diện cho phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến nói chung.

C. Là người phụ nữ nghèo, có hình dáng bên ngoài bình thường, dù sống trong cảnh nào thì người phụ nữ ấy vẫn giữ được phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.

D. Là người phụ nữ xinh đẹp, da trắng, thân hình cân đối nhưng số phận lại long đong ba chìm bảy nổi, và dù sống trong cảnh tối tăm nhưng người phụ nữ ấy vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình.

10. Ở miền Bắc nước ta, bánh trôi nước thường được sử dụng để cúng trong dịp nào?

A. Ngày mùng ba tháng ba âm lịch.                       B. Ngày mùng mười tháng ba âm lịch.

C. Ngày Tết Nguyên đán.                                       D. Ngày rằm tháng giêng âm lịch.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

11.Tác giả mượn đặc điểm của bánh trôi để  khẳng định phẩm chất gì của người phụ nữ Việt Nam.                                                                                                                                                                 12. Nêu những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ “Bánh trôi nước” -HXH.                                                    13.. Tìm những yếu tố chứng minh bài thơ “Bánh trôi nước”-HXH là một bài thơ Đường luật.

PHẦN II: VIẾT (4 điểm) .

Từ hình ảnh bánh trôi nước, em cảm nhận được gì về số phận và phẩm chất của người phụ nữ xưa và nay ? 

Đề số 3

Phần 1: Đọc (6 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới

Chiếc hộp Pandora – (Thần thoại Hy Lạp)

Sau cuộc chiến giữa các Ti-tan và các Ô-lym-pi-an, có 2 Ti-tan không bị giam dưới Ta-ta-rút, đó là Pro-mê-tê và Ê-pi-mê-tê, bởi 2 ông này không tham gia vào cuộc chiến. Zớt đã giao cho 2 Ti-tan nhiệm vụ tạo ra con người và các sinh vật sống khác trên trần gian. Pro-mê-tê lấy đất sét nặn ra con người, rồi thần A-thê-na thổi sự sống vào. Ê-pi-mê-tê có nhiệm vụ trao tặng những khả năng đặc biệt cho muôn loài như sự nhanh nhẹn, tốc độ, sức mạnh, đôi cánh…. Không may rằng, đến khi Pro-mê-tê tạo ra con người thì Ê-pi-mê-tê đã trao tặng hết các khả năng tốt cho các loài khác, chẳng còn lại gì cho loài người chúng ta.

Pro-mê-tê, vì rất yêu quý con người, đã tạo hình cho con người có dáng đứng thẳng như các vị thần, và ông còn lén ăn cắp ngọn lửa của các vị thần, đem xuống cho loài người. Nhờ có lửa của Pro-mê-tê, loài người yếu đuối không còn sợ bóng tối và thú dữ, dần dần mới phát triển cho đến ngày nay. Khi biết chuyện, thần Zớt vô cùng nổi giận và quyết định trừng phạt Pro-mê-tê cùng loài người. Với Pro-mê-tê, Zớt xích ông vào ngọn núi Caucasian và ngày ngày sai một con chim khổng lồ đến khoét ruột gan ông, bắt Pro-mê-tê phải chịu đựng nỗi đau đớn đó hàng ngày. Về sau, chính anh hùng Heracles – con trai của Zớt, đã giết chết con chim, chặt đứt xích và giải thoát cho Pro-mê-tê. Còn đối với loài người, thần Zớt có một cách trừng phạt khác. Zớt ra lệnh cho thần thợ rèn Hê-phia-tút nặn ra một người phụ nữ tên là Pan-đô-ra. Nàng là người phụ nữ đầu tiên của loài người. Các vị thần đều trao tặng những món quà cho Pan-đô-ra. Nữ thần A-thê-na cho nàng quần áo, A-phro-đít cho nàng sắc đẹp, thần A-po-lo cho nàng khiếu âm nhạc, thần Hê-mết cho nàng khả năng nói…

Sau đó, thần Zớt gả Pan-đô-ra cho Ê-pi-mê-tê và để họ sống chung với loài người. Món quà cuối cùng mà Zớt tặng cho Pandora là một chiếc hộp. Đó cũng là sự trừng phạt của Zớt. Mặc dù Pro-mê-tê đã cảnh báo Ê-pi-mê-tê chớ nên nhận món quà của Zớt, nhưng Ê-pi-mê-tê lại quá chiều lòng vợ mình – nàng Pan-đô-ra xinh đẹp – mà giữ lại món quà. Đã được căn dặn không được mở hộp ra, nhưng Pan-đô-ra không chiến thắng nổi sự tò mò, mở nắp hộp, và mọi điều xấu xa, độc ác trong đó thoát ra. Từ đó, con người mới có những đức tính xấu như lòng tham, sự đố kỵ, giả dối, phản bội … Chúng ta hận thù, tranh giành và chém giết nhau, tạo ra những cuộc chiến tranh cũng là do chiếc hộp của Pan-đô-ra. Tuy vậy, người ta nói rằng, vẫn còn một điều tốt đẹp hiếm hoi sót lại trong chiếc hộp của Pan-đô-ra, đó là niềm hy vọng. Nhờ có hy vọng, con người mới có thể đứng vững và vượt qua mọi thử thách, khó khăn của cuộc đời.

Nguồn: https://truyencotich.top/doc-truyen/truyen-thuyet-ve-chiec-hop-pandora

Câu 1: Thần Zớt đã giao nhiệm vụ gì cho Pro-mê-tê và Ê-pi-mê-tê?

  1. Tạo ra con người và các sinh vật sống khác trên thế gian
  2. Chiến đấu với các vị thần khác
  3. Bảo vệ gia đình
  4. Diệt trừ những yêu quái ở trần gian

Câu 2: Ngọn lửa Pro-mê-tê trao tặng cho con người đã có ý nghĩa như thế nào? 

  1. Giúp con người sưởi ấm
  2. Giúp con người nấu chín thức ăn
  3. Giúp con người chế tạo vũ khí
  4. Giúp con người tồn tại và phát triển đến ngày nay

Câu 3: Thần Zớt đã trừng phạt Pro-mê-tê bằng cách nào?

  1. Đày chàng đi biệt xứ
  2. Tước hết phép thuật của chàng
  3. Trói chàng và cho thú dữ đến tấn công chàng.
  4. Giam cầm chàng trong nhà lao đặc biệt.

Câu 4: Theo văn bản thì người phụ nữ đầu tiên của loài người có tên là

  1. Pan-đô-ra
  2. A-thê-na
  3. Hê -ra
  4. Ê-va

Câu 5: Sự trừng phạt mà thần Zớt dành cho loài người là

  1. Tạo ra những tai họa giáng xuống loài người
  2. Cho Pan-đô-ra và Ê-pi-mê-tê cưới nhau
  3. Tạo ra nhiều loại thú dữ tấn công con người
  4. Ban cho con người chiếc hộp Pan-đô-ra với những điều xấu xa

Câu 6: Chọn nhận định sai về chiếc hộp Pan-đô-ra

  1. Do thần Zớt tặng cho Pan-đô-ra
  2. Chỉ chứa đựng những điều xấu xa của con người
  3. Pan-đô-ra đã ở hộp vì sự tò mò
  4. Có chứa đựng niềm hy vọng

Câu 7: Theo văn bản thì vì sao chiếc hộp lại có tên là Pan-đô-ra

  1. Vì Chiếc hộp do Pan-đô-ra mở ra
  2. Vì theo ngôn ngữ cổ, Pan-đô-ra có nghĩa là xấu xa
  3. Vì Pan-đô-ra có nghĩa là tò mò
  4. Vì chiếc hộp đước thần zớt tặng cho Pan-đô-ra

Câu 8: Hãy ghi lại các chi tiết thể hiện tình thương của thần Pro-me-tê dành cho con người

Câu 9: Theo bạn, người xưa muốn lý giải vấn đề gì qua câu chuyện trên?

Câu 10: Theo bạn, niềm hy vọng có ý nghĩ gì cho cuộc sống của con người (trả lời bằng một đoạn văn khoảng 5 dòng)

Phần 2: Viết (4.0 điểm)

Viết bài luận ngắn (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của truyện Chiếc hộp Pan-đô-ra.

Đề số 5

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau

Chử Lầu

                                                  Thần thoại H’Mông

Chử Lầu[1] sau khi sáng tạo ra trời đất bèn làm một lúc 10 mặt trời, 9 mặt trăng và rất nhiều sao để chiếu rọi cho khô ráo và cho sáng. Về sau vì loài người sợ rằng những thứ đó rơi xuống có thể làm nguy hại cho trần gian nên xin Chử Lầu cất đi nhưng Chử Lầu không cất, chỉ làm thêm một cái màng xanh ngăn giữa đất và tinh cầu[2] để cho loài người an tâm. Mười mặt trời là nữ, chín mặt trăng là nam được Chử Lầu cho một cái hồn vào miệng và thổi hơi cho hoạt động. Những tinh cầu ấy hun đốt trong bảy năm liền. Trong thời gian đó, chỉ có ngày mà không có đêm.

Khi đất đã khô ráo, Chử Lầu làm ra mọi thứ cỏ cây, muôn vật và người. Con người do Chử Lầu dùng đất nặn thành, cho hồn vào bụng, tiếng nói ở cổ họng và thổi hơi vào cho sống. Mọi vật phát triển rất chóng, chả mấy lúc mà đầy cả mặt đất. Nhưng vì nóng quá, con người bèn chặt cây lớn làm cung tên khổng lồ, bắn vào các mặt trời và mặt trăng. Chín mặt trời và 8 mặt trăng trúng tên tắt ngay còn hai cái nữa trốn thoát.

Trong khoảng đó có đêm không ngày người ta sống trong cảnh đen tối, lạnh lẽo. Họ cố nài[3] mặt trời và mặt trăng trở lại nhưng chúng không nghe. Các giống vật cử cọp đi gọi nhưng cũng không được. Sau bảy năm, nhờ có gà gọi mãi đến lần thứ bảy, chúng mới chịu trở về, Chử Lầu thưởng cho gà một cái mào đỏ vì có công trạng ấy.

Con người lúc đó sống đến 900 tuổi, đến hạn cũng chết, nhưng được vào vườn Din-giang-ca[4] của Chử Lầu. Ở đó trong 12 ngày tự nhiên lột da, sống và trẻ lại rồi trở về nhà cũ. Nhưng có một nhà nọ, nàng dâu xích mích với mẹ chồng, thường hắt hủi  xỉ vả[5] nên mẹ chồng giận, quyết ở luôn tại vườn Din-giang-ca không về. Ở đây bà ta ăn quả đào trắng, uống nước suối, phạm vào lệnh cấm của Chử Lầu. Chử Lầu giận, bèn cấm loài người không được đến vườn của mình nữa. Từ đó, loài người hễ chết là chết luôn.

Lúc đó công việc làm đồng rất nhẹ nhàng. Cỏ không có, cây cối tự nhiên mọc và có quả. Ngô ăn được cả lá. Người ta chỉ mất công gieo ngô và lúa là có ăn. Mỗi lần lúa chín tự nhiên nó bay về, không phải gặt. Nhưng có một người kia phần việc là mang cơm ra đồng cho mọi người ăn, thấy nhóm mình làm việc quá chóng: vừa đặt cơm ở chỗ này thì họ đã tiến cách đó rất xa. Người ấy bèn xin Chử Lầu hiện cỏ ra mặt đất để cho công việc chậm lại. Chử Lầu nghe lời. Vì thế mà từ đó công việc đồng áng rất chật vật. Lại có một nhà khác có người đàn bà nhác[6] không chịu quét dọn nhà cửa để đón lúa nên lúc lúa bay về thấy bẩn thỉu bèn rủ nhau từ đấy quyết không tự về nữa.

(Theo Bùi Văn Nguyên, Đỗ Bình Trị, Tư liệu tham khảo văn học Việt Nam, Tập I : 
Văn học dân gian, phần III, NXB Giáo dục, 1976. Tr.93 – 96)

I.1/ Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản?

     A. Truyền thuyết                  B. Sử thi                  C. Thần thoại            D. Truyện cổ tích

Câu 2. Nhân vật chính của văn bản là ai?

     A. Loài người                       B. Chử Lầu             C. Mặt Trời               D. Mặt Trăng

Câu 3. Sau khi sáng tạo ra trời đất, để chiếu rọi cho khô ráo và cho sáng, Chử Lầu đã làm gì?

     A.Tạo ra 10 mặt trời, 9 mặt trăng và rất nhiều sao

     B. Làm một cái màng xanh ngăn giữa đất và tinh cầu

     C. Làm ra mọi thứ cỏ cây, muôn vật và người

     D. Làm xuất hiện cỏ trên mặt đất

Câu 4. Chử Lầu đã tạo ra con người bằng cách nào?

     A. Dùng đất nặn thành, cho con người dáng đứng thẳng, đi bằng hai chân

     B. Dùng đất nặn thành, cho tiếng nói ở cổ họng, dáng đứng thẳng

     C. Dùng đất và nước nhào nặn ra và ban cho con người tiếng nói, thổi hơi vào cho sống

     D. Dùng đất nặn thành, cho hồn vào bụng, tiếng nói ở cổ họng và thổi hơi vào cho sống

Câu 5. Chử Lầu là kiểu nhân vật chức năng rất đặc trưng của thần thoại. Theo anh/chị nhân vật Chử Lầu trong truyện này có chức năng gì?

     A. Sáng tạo ra mặt trời, mặt trăng

     B. Sáng tạo ra loài người

     C. Sáng tạo ra muôn vật

     D. Sáng tạo ra trời đất, muôn vật và con người

Câu 6. Theo anh/chị, chi tiết “Người ấy bèn xin Chử Lầu hiện cỏ ra mặt đất để cho công việc chậm lại. Chử Lầu nghe lời. Vì thế mà từ đó công việc đồng áng rất chật vật”  nhằm giải thích điều gì?

         A. Giải thích nguồn gốc của cây lúa

         B. Giải thích vì sao trên mặt đất có cỏ

         C. Giải thích vì sao con người phải làm lụng vất vả

         D. Giải thích nguồn gốc vũ trụ, con người và muôn vật

Câu 7. Theo anh/chị, chi tiết “con người bèn chặt cây lớn làm cung tên khổng lồ, bắn vào các mặt trời và mặt trăng. Chín mặt trời và 8 mặt trăng trúng tên tắt ngay còn hai cái nữa trốn thoát” thể hiện khát vọng gì của người xưa?

         A. Khát vọng được sống sung sướng

         B. Khát vọng chinh phục tự nhiên

         C. Khát vọng giảm nhẹ sức lao động

         D. Khát vọng trường sinh bất tử

I.2/ Trả lời câu hỏi:

Câu 8. Qua truyện “Chử Lầu”, người xưa bày tỏ ước mơ gì?

Câu 9. Chi tiết “Lại có một nhà khác có người đàn bà nhác không chịu quét dọn nhà cửa để đón lúa nên lúc lúa bay về thấy bẩn thỉu bèn rủ nhau từ đấy quyết không tự về nữa” gợi cho anh/chị bài học gì trong cuộc sống?

Câu 10. Qua truyện “Chử Lầu”, anh/chị có suy nghĩ gì về cuộc sống và khát vọng của người thời cổ? (Trình bày từ 5 – 7 dòng)

II. LÀM VĂN (4,0 điểm) 

Hãy viết một bài văn trình bày quan điểm của anh/chị về vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ.

Để tải file, bạn cần có mật khẩu Download:

“Mật khẩu là tên nhãn hàng bắt đầu bằng chữ c, 6 chữ cái viết in thường, liền không dấu.” trong đường link dưới

Tải về ngay!
Hỗ trợ